https://vnexpress.net/my-nghe-tu-vo-trai-so-oc-4127680.html

thứ bảy, 18/7/2020, 11:02 (GMT+7)

Mỹ nghệ từ vỏ trai, sò ốc

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mua hàng trăm vỏ sò, ốc, anh Nguyễn Thanh Vũ, 41 tuổi, cùng đội thợ mài giũa, chế tác thành đồ mỹ nghệ, thu gần một tỷ đồng mỗi năm.

 

Ông Nguyễn Thanh Vũ (ở TP Vũng Tàu) bưng chậu hoa cúc bằng vỏ ốc trong nhà xưởng rộng 200 m2, với hàng chục nghìn sản phẩm bày kín tủ, kệ.

Anh kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật công nghệ TP HCM, anh làm việc nhiều lĩnh vực, song "không thoải mái". Sau nhiều đắn đo, năm 2006, anh về Vũng Tàu bắt đầu làm quen và tiếp quản nghề truyền thống do cha mẹ gây dựng hơn 40 năm qua. Hiện tại cơ sở của anh Vũ có 10 lao động làm việc thường xuyên.

Những con ốc đủ màu sắc được dùng để trang trí được anh Vũ nhập về từ Phú Quốc, Nha Trang, Phú Yên... Vỏ của chúng đều được làm sạch ruột, khử mùi hôi trước khi đưa đi chế tác.

"Nghề này đòi hỏi một lượng lớn vỏ của hàng trăm loài ốc. Trong khi nguồn cung ngày càng khan hiếm và giá đang bị đẩy lên cao gây trở ngại", chủ cơ sở mỹ nghệ cho biết.

Ba người thợ trong xưởng mỹ nghệ của anh Vũ đeo kính bảo hộ, tất bật mài những vỏ trai, ốc và đánh bóng hai lần bằng giấy nhám trước khi chuyển qua khâu cắt, khoan lỗ, tạo hình sản phẩm.

Mỗi ngày, các thợ làm 8 tiếng, thu nhập trung bình 7-10 triệu đồng mỗi tháng.

Một nhân công cầm hai vỏ trai trước và sau khi đánh bóng. Để đảm bảo vỏ có màu vàng nhạt và nổi vân óng ánh, người thợ phải tỉ mỉ và kiên nhẫn khi cắt và đục lỗ để tránh làm nứt vỏ.

Ông Hoàng Văn Khách, 55 tuổi, thợ chế tác lắp ráp mẫu thuyền ốc gồm các bộ phận đế, thân và cánh buồm được cố định bằng keo.

Xong phần thô, thuyền được đưa đến xưởng cách đó 4 km để các nhân công hoàn thiện.

Chị Diệp Thị Thủy Phương cầm trên tay hai sản phẩm thuyền buồm hoàn chỉnh. Chị Phương là thợ trẻ nhất, với 10 năm làm việc tại cơ sở. "Đam mê với vỏ ốc kéo tôi ở lại. Rất nhiều người đến rồi đi vì họ không chịu được việc phải ngồi một chỗ trong nhiều giờ và công việc đòi hỏi sự khéo tay trong khi thu nhập không cao", chị nói.

 

Chị Phương gắn những con ốc lên mạn thuyền trong công đoạn cuối cùng của sản phẩm.

Hang đá Đức Mẹ được làm từ các loại vỏ ốc biển.

Một nhân công gắn vỏ ốc được tạo hình cánh quạt lên khung tranh. Đây là một trong những mặt hàng ưa chuộng hiện nay.

Bộ tứ cây mai, lan, cúc, trúc được làm bằng vỏ ốc có giá 15 triệu đồng mỗi chậu.

Nguyễn Thanh Vũ, chủ cơ sở mỹ nghệ cho biết, mỗi năm sản xuất hàng trăm sản phẩm, với giá cả dao động từ 150.000 đến một triệu đồng, thu lợi nhuận gần một tỷ mỗi năm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP HCM, Phú Quốc, Hà Nội và cả Dubai. "May mắn là tôi đang có đội thợ có óc sáng tạo và đam mê. Nhưng chưa biết phá sản ngày nào vì hiện không có đội ngũ kế thừa", anh Vũ nói.

Nghề sò ốc mỹ nghệ ở Vũng Tàu hình thành gần 40 năm trước. Thời kỳ hoàn kim, nghề này hình thành nên cộng đồng vài chục hộ gia đình sản xuất, bán sỉ theo đơn đặt hàng của những tàu viễn dương.

Năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận nghề truyền thống, song hiện ở Vũng Tàu chỉ còn hai cơ sở với gần 10 hộ nhận gia công tại nhà.

                                                                                                                                                                                 Trường Hà